Trống trận “giòn giã”

Khi được hỏi PLA sẵn sàng phản hồi mạnh mẽ hơn hay không, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) nhắc đi nhắc lại rằng quân đội luôn vững tay súng bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền biển.

Lương Phương (Liang Fang), Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, viết trên mạng Weibo: “Quân đội Trung Quốc sẽ bước lên và chiến đấu dũng mãnh. Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng trước bất kỳ nước nào về các vấn đề chủ quyền”.

Tương tự, Lý Kim Minh (Li Jinming), Viện biển Nam Trung Hoa (tên gọi của họ) thuộc Đại học Hạ Môn, viết trên chuyên san Southeast Asian Studies: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và xem điều này (phán quyết PCA) như một bước ngoặt trong chiến lược quân sự về biển Nam Trung Hoa của chúng ta”.

Hoàn Cầu thời báo, được bật đèn xanh, thậm chí dọa đánh cả Úc. Trong số đề ngày 30-7-2016, Hoàn Cầu viết: “Giới phân tích nói rằng ngoài việc cố làm hài lòng Mỹ, Úc còn có khuynh hướng chèn ép Trung Quốc khi mặc cả các lợi ích kinh tế. Trung Quốc phải trả thù và chứng minh điều đó là sai. Sức mạnh Úc chẳng là gì cả đối với an ninh Trung Quốc. Nếu bước vào biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi của Bắc Kinh), Úc sẽ là mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc cảnh cáo và tấn công. Úc không chỉ là con cọp giấy. Cùng lắm Úc chỉ là con mèo giấy!”.

Đầu tháng 7-2016, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, từng “cảnh cáo” Ngoại trưởng Úc Julie Bishop rằng Úc phải “ăn nói và hành xử thận trọng”.

Trước đó, Mỹ cũng bị dọa nốt. Viết trên Washington Post ngày 24-6-2016, nhà báo Josh Rogin cho biết mình tiếp cận được “kháng thư” chính thức từ Tòa đại sứ Trung Quốc (Washington DC) gửi đến Ủy ban quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu không viên chức Mỹ nào được phép tiếp tục đi đường bay thẳng từ Đài Bắc đến Tokyo, vì như thế bay ngang quần đảo Điếu Ngư (tức Senkaku) “của họ”!

Ngày 1-8-2016, hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại biển Hoa Đông. Rầm rộ. Tuyên bố ngắn của Bộ quốc phòng Trung Quốc nói: Cuộc diễn tập, gồm bắn hàng chục tên lửa và ngư lôi được thực hiện “với mục đích tăng cường khả năng tấn công, nâng cao tính chính xác và tốc độ tác chiến của quân đội trong môi trường điện từ”.

Một ngày sau, 2-8-2016, Tân Hoa Xã loan tin: Tối cao pháp viện Trung Quốc “vừa ban bố một quy định nhằm diễn giải quyền tài phán đối với các vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc”. Quy định, có hiệu lực ngày 2-8-2016, nói rằng công dân Trung Quốc và nước ngoài sẽ bị truy tố nếu đánh bắt cá bất hợp pháp.

“Các vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc” là vùng nào? Dĩ nhiên, “đường lưỡi bò”! Không có gì quá bất ngờ với cách thức của Trung Quốc. Bắc Kinh cần có những động thái chữa thẹn sau vụ PCA và cũng để ông Tập chữa thẹn với dư luận trong nước cũng như với Bộ chính trị lẫn Bộ Quốc phòng, nơi đang rất “nóng mặt” và cáu tiết. Chiến thuật của họ giờ là “kẻ đấm, người xoa”.

Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị nói rằng điều quan trọng bây giờ là đối thoại; là lúc đưa mọi việc trở lại “đúng hướng” và “lật trang” sau sự kiện PCA.

Cùng lắm chỉ là con mèo giấy!

Xét ở góc độ hẹp, Trung Quốc có thể đang thắng tại sân chơi nhỏ và lỏng lẻo như ASEAN nhưng họ đang thua trên sàn quốc tế. Như được viết trên Foreign Policy (21-7-2016), dưới thời ông Tập, Trung Quốc liên tục thất bại trong chính sách đối ngoại. Cú đấm PCA là đòn mới nhất hạ gục thói kiêu ngạo của Bắc Kinh. Giải pháp dùng sức mạnh quân sự đe dọa chỉ khiến khu vực tăng cường phòng thủ và nâng cấp quốc phòng.

Như đã biết, thượng tuần tháng 7-2016, Hàn Quốc đã đồng ý cho Mỹ lắp hệ thống tên lửa bắn chặn THAAD. Sự kiện này cho thấy Bắc Kinh đã không thể kiểm soát được Bình Nhưỡng.

Tập từng phái một công sứ đặc biệt đến Bình Nhưỡng để thuyết phục ngưng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Ngay khi công sứ ra sân bay chuẩn bị lên đường về Bắc Kinh, Bình Nhưỡng lập tức tuyên bố họ vẫn thử! Cuối cùng, họ thử thật (đêm giao thừa 2016)!

Thất bại lớn nhất của Bắc Kinh là “tạo điều kiện” cho Nhật xây dựng hệ thống quốc phòng lẫn chính sách quốc phòng với Mỹ. Tháng 4-2014, trong chuyến công du Tokyo, lần đầu tiên, Tổng thống Barack Obama nói rõ rằng Điều V trong Hiệp ước hỗ tương an ninh Mỹ-Nhật (tấn công vào Nhật xem như tấn công vào Mỹ) sẽ được mở rộng đến việc bảo vệ cả Senkaku. Nhật cũng thiết lập các mối quan hệ quốc phòng với khu vực.

Từ đầu năm đến nay, tàu chiến Nhật đã cập cảng Subic, Cam Ranh và Sydney. Ngày 3-8-2016, khi sắp xếp lại Nội các, Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm bà Tomomi Inada lên ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Bà Inada được đánh giá là cứng rắn thuộc phe “diều hâu”. Đây là một thông điệp không dễ chịu với Trung Quốc.

Trước đó một ngày, 2-8-2016, Nhật cũng công bố Sách Trắng quốc phòng hàng năm (484 trang), bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” đối với Trung Quốc, và việc Trung Quốc hung hăng sẽ dẫn đến “những hậu quả khó lường”. 

Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục vận động Quốc hội điều chỉnh Hiến pháp hòa bình (đặc biệt điều 9 mang nội dung nghiêm cấm Nhật tham chiến). Foreign Affairs (26-7-2016) cho biết cuộc thăm dò vào tháng 3-2016 do Yomiuri Shimbun thực hiện cho thấy có 61% người Nhật phản đối việc điều chỉnh Điều 9 Hiến pháp nhưng có đến 70% muốn thay đổi Hiến pháp nói chung.

Có thể nói, tại châu Á, không nước nào Trung Quốc sợ bằng Nhật. Không chỉ bởi Nhật là đồng minh Mỹ mà nước này còn có nền tảng khoa học kỹ thuật quân sự cực tốt. Cần nhắc lại, chiến hạm hiện đại Izumo, một hàng không mẫu hạm đúng nghĩa, được đóng chỉ trong hai năm! Kỹ thuật quân sự Trung Quốc còn cách Nhật một chặng rất dài.

Đẩy Úc nhích lại gần Mỹ cũng là một thất bại không thể không nói. Năm 1985, Hồ Diệu Bang kinh lý Úc. Thủ tướng Úc Bob Hawke háo hức đến mức phá vỡ nguyên tắc thông thường trong ngoại giao tiếp đón nguyên thủ quốc gia và xem Hồ Diệu Bang như một người bạn khi đưa họ Hồ đến vùng đất giàu khoáng sản Pilbara xa xôi ở phía tây nước Úc cách Canberra hơn 3.000km.

Bức ảnh chụp hai người, đều mặc sơmi trắng và không mang cà vạt, đứng trên một ngọn núi hướng mắt về nơi xa xa, nơi có một trong những quặng sắt lớn nhất thế giới, đã trở nên nổi tiếng như một dấu ấn lịch sử quan hệ hai nước.

Năm 2007, Kevin Rudd, người mà báo chí Trung Quốc gọi thân mật bằng cái tên tiếng Hoa là Lục Khắc Văn (Lu Kewen), đã trở thành lãnh đạo một nước phương Tây đầu tiên biết nói thông thạo tiếng Hoa. Và trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 4-2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã dẫn theo phái đoàn đông chưa từng có trước đó…

Chỉ trong vài năm, đặc biệt từ khi ông Tập lên ghế chủ tịch, quan hệ Trung Quốc - Úc xấu đi rõ rệt. Trong chuyến công du Hoa Kỳ giữa tháng 6-2014, Thủ tướng Tony Abbott đã đứng tên chung với Barack Obama trong bài xã luận đăng trên Los Angeles Times.

Bài có đoạn: “Cả Úc và Hoa Kỳ đều quan ngại rằng hành vi gây hấn tăng dần trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại châu Á đang tạo ra một nguy cơ ngày càng tăng của tính toán sai lầm và trong trường hợp xấu nhất, dẫn đến xung đột… Cả hai nước chúng tôi đều phản đối việc sử dụng hăm dọa, ép buộc hoặc xâm lược trong vấn đề tranh chấp của bất kỳ quốc gia nào”.

Quan hệ quốc phòng My ä- Úc tiếp tục được thắt chặt. Cuối tháng 2-2016, tướng tư lệnh Hạm đội bảy Joseph Aucoin đã yêu cầu Úc thực hiện hành động tương tự Mỹ: chứng minh biển Đông không phải của Trung Quốc và Úc có toàn quyền tiến hành các cuộc tuần hành tự do hàng hải.

Niềm tin bị đánh cắp

Bắc Kinh, đến nay, vẫn không thể thuyết phục châu Âu công nhận họ có “nền kinh tế thị trường”. Chính sách bảo hộ mậu dịch của Bắc Kinh đối với các công ty châu Âu khiến EU bắt đầu tái đánh giá lại các dự án đầu tư tại Trung Quốc.

Đầu tháng 8-2016, tân Thủ tướng Anh Therese May bất ngờ tuyên bố hoãn xét một dự án nhà máy điện hạt nhân được Trung Quốc góp vốn. Dự án nhà máy hạt nhân ở Hinkley Point (Somerset, Tây Nam nước Anh), trị giá 18 tỷ bảng Anh, là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc tại phương Tây.

Bà Therese May vốn có cái nhìn “đặc biệt” với Bắc Kinh. Tháng 7-2015, khi ngồi ghế Bộ trưởng nội vụ, bà đã yêu cầu gia hạn visa cho nghệ sĩ Ngải Vị Vị đến 6 tháng, sau khi nghe tin ông Ngải chỉ được cấp visa 20 ngày để thực hiện một cuộc triển lãm tại London.

Bình luận về sự kiện Thủ tướng Therese May hoãn dự án Hinkley Point, xã luận (không đề tên tác giả) của Financial Times (29-7-2016) viết: “Bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể được dư luận Trung Quốc xem là cú tát vào chính ông Tập.

CNNC (Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc, nơi góp vốn dự án Hinkley Point) là đơn vị chủ lực đối với ngành công nghiệp quân sự giúp tạo nên một phần căn cứ quyền lực đối với ông ấy (Tập Cận Bình). Chiến lược giành cảm tình ngoại giao thế giới bằng cách đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn của ông ấy sẽ bị ảnh hưởng”.

Niềm tin dành cho Bắc Kinh không chỉ bị “đánh cắp” đối với nước ngoài. Dư luận trong nước cũng có thể tự hỏi tại sao uy tín chính trị Trung Quốc ngày càng bị xói mòn; tại sao thế giới ngày càng thận trọng hơn với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc; tại sao Trung Quốc ngày càng mất đồng minh ở khu vực; tại sao xuất hiện tâm lý thù ghét Trung Quốc khắp thế giới?…

Một nhà lãnh đạo khôn ngoan là người vừa xây dựng được quyền lực quốc gia vừa mang lại lợi ích quốc gia. Tập Cận Bình, hẳn nhiên, phải hiểu điều đó. Vấn đề là ông ta đã làm sai!

Mạnh Kim