Cận ngày sinh nhật lần thứ 126 của Bác, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Ân. Sắp vào tuổi 80 nhưng ông còn hoạt bát, tinh tường lắm và rất chịu khó cập nhật thông tin đời sống xã hội… Gần 50 năm đi theo Đảng, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, có biết bao vui buồn song với ông kỷ niệm sâu sắc và khó quên nhất vẫn là những lần được gặp Bác Hồ.

Ông Ân tâm sự: “Trong đời công tác, tôi rất may mắn và hạnh phúc được 4 lần gặp Bác. Dĩ nhiên là trong những hoàn cảnh khác nhau và tuy không được tiếp cận Bác nhưng đều để lại dấu ấn khó phai mờ. Năm 1961, khi tôi 24 tuổi và đang là Thư ký Công đoàn xí nghiệp đá Chẹ, Sơn Tây thì may mắn tôi được gặp Bác Hồ hai lần trong cùng một sự kiện. Ấy là tháng 2-1961, tôi được chọn cử đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 2. 

Với tình cảm dành cho công nhân, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Công đoàn nên cả phiên trù bị và đại hội chính thức (từ ngày 23  đến 27-2-1961), Bác đều đến thăm và nói chuyện. Đã hơn 55 năm rồi, tôi không nhớ một cách chi tiết, chỉ biết rằng trong phiên họp trù bị cũng như hôm đại hội chính thức, sau khi thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh đại biểu của Liên hiệp Công đoàn thế giới và tổ chức Công đoàn các nước XHCN anh em (khi đó) đến dự đại hội, 

Bác nói (đại ý): "Đại hội này có mục đích là tìm những biện pháp tốt nhất để thực hiện đường lối, chính sách mà Đại hội lần thứ III của Đảng đề ra về nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà".

Ông Đỗ Văn Ân tại nhà riêng.

Người còn nhắc nhở cán bộ, công nhân nâng cao ý thức làm chủ đất nước, tham gia quản lý nhà máy, xí nghiệp; không ngừng sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và thực hành tiết kiệm để xây dựng Tổ quốc. Bác cũng căn dặn cán bộ Công đoàn phải sâu sát quần chúng, phải "bốn cùng" với công nhân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng trao đổi bàn bạc)…

Lần thứ ba là tại Hội nghị Cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc (ngày 13-8-1962), lúc đó tôi là cán bộ tổ chức của liên hiệp công đoàn tỉnh Sơn Tây được cử đi dự hội nghị. Các đại biểu dự hội nghị hết sức phấn khởi và xúc động được Bác đến thăm và nói chuyện.

Người biểu dương công nhân và công đoàn các nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Xi măng Hải Phòng, Diêm Thống Nhất, Mỏ thiếc Cao Bằng… đã tổ chức tốt phong trào thi đua yên nước, công nhân có nhiều sáng kiến để tăng năng suất lao động; các tổ chức Công đoàn ở đây có sự quan tâm chăm lo đời sống công nhân.

 Đồng thời Bác cũng phê bình một số tổ chức Công đoàn chỉ chạy theo năng suất, làm ẩu mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm. Người nhấn mạnh, cán bộ Công đoàn phải cố gắng học tập để không ngừng vươn lên; muốn tổ chức và phát triển lực lượng của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt…

Mùa hè năm 1964, khi đó tôi đang là học viên của lớp đào tạo cán bộ Công đoàn khóa 6, Trường Công đoàn Trung ương (nay là Đại học Công đoàn) lại được vinh dự đón và nghe Bác nói chuyện. Đầu giờ làm việc buổi chiều ngày 18-7-1964, các lớp học viên chúng tôi đã có mặt kín cả hội trường. Bác Hồ và đồng chí Hoàng Quốc Việt xuất hiện ở cửa bên của hội trường, chúng tôi nhất loạt đứng dậy reo hò, vỗ tay…

Bác ra hiệu chúng tôi ngồi xuống, đưa ánh mắt bao quát hội trường và cất giọng trầm ấm: "Bác và chú Hoàng Quốc Việt trước khi lên đây đã ghé thăm nhà bếp, nhà vệ sinh và nơi ăn ở của các cô, các chú”.

Với phong cách sâu sát thực tế, Bác phê bình chúng tôi còn để mất vệ sinh ở một số nơi, không phù hợp với ngôi trường của giai cấp công nhân. Cả hội trường im phăng phắc như nhận lỗi trước những lời nhắc nhở của Bác.

Sau đó, Người tập trung nói về nhiệm vụ của Công đoàn trong phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; về nhiệm vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu; ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, trong đó có việc tăng cường cán bộ cho Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam…”.

Những lời dạy ân cần, cụ thể của Bác đã in sâu trong kí ức của ông Đỗ Văn Ân. Từ một công nhân đến khi trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, ông Ân đều luôn tự răn mình phải nói gương Bác "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Nguyễn Khôi