Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần

(Chinhphu.vn) - Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 đề ra những nhiệm vụ cấp bách, giải pháp điều hành KT-XH kiên định, linh hoạt; chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng, công tác dân tộc, sắp xếp DNNN, quy hoạch Vùng Thủ đô... là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua. 

(Chinhphu.vn) - Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 đề ra những nhiệm vụ cấp bách, giải pháp điều hành KT-XH kiên định, linh hoạt; chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng, công tác dân tộc, sắp xếp DNNN, quy hoạch Vùng Thủ đô... là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua.  * Ngày 29/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm tới dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức. Thương mại toàn cầu dự báo sẽ giảm dẫn đến tình trạng cạnh tranh sẽ rất quyết liệt về đầu tư và xuất khẩu cùng với đó, giá dầu thô xuống thấp và diễn biến khó lường…

Thủ tướng đề nghị phải theo dõi sát diễn biến tình hình, đề ra các giải pháp hiệu quả để ứng phó, bảo đảm nhanh nhất, có lợi nhất, đồng thời phải luôn luôn cố gắng giành thế chủ động, không được để bị động, bất ngờ.

Về một số nhiệm vụ thời gian tới Thủ tướng yêu câu thực hiện nhiệm vụ cấp bách đầu tiên là dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có tình trạng xâm ngập mặn, khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL. Các tỉnh bảo đảm lo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho nhân dân, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn mặn, giữ nước ngọt; chỉ đạo thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng. Kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Nhiệm vụ lớn tiếp theo là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, đề xuất các giải pháp tăng thu, thắt chặt chi tiêu, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

* Bước vào 2016, năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng là phải bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn công tác thi đua khen thưởng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh yêu cầu trên tại phiên họp thứ 63 của Hội đồng.

Theo đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua hiện có; phong trào thi đua cần linh hoạt, sát cuộc sống, được thực hiện trong thời gian, lĩnh vực nhất định, có mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt việc tốt. Không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp, các cụm, khối thi đua và tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách.

* Chủ trì cuộc họp về Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế, có những vấn đề nảy sinh cần cập nhật, bổ sung kịp thời; yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô để phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Trước hết là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong Vùng Thủ đô, bảo đảm giao thông thông suốt, tạo thuận lợi cho đi lại và giao thương…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần hạn chế sự chồng chéo trong công tác dân tộc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

* Hạn chế chồng chéo, trùng lắp trong công tác dân tộc là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Ghi nhận những thành tựu của công tác dân tộc 5 năm qua, nhưng Phó Thủ tướng cũng chỉ ra công tác dân tộc vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, chồng chéo, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư hơn nữa. Cụ thể là một số chính sách chồng chéo, không phù hợp và chưa đồng bộ, nguồn lực bố trí của Nhà nước còn bất cập, chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, như có đến 9 địa phương chậm ban hành chiến lược về công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp kém, chưa đạt yêu cầu, năng lực vận động của cán bộ cơ sở còn yếu...

Đó là những nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

* Dự lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến Sa Pa (tỉnh Lào Cai) theo hình thức BOT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đường 4D là tuyến kết nối quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng.

Việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước là tiếp tục huy động thêm các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách bằng hình thức xã hội hóa trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước khó khăn, đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới đường giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”. Ảnh: VGP/Thành Chung

* Chủ trì buổi họp về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DN Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành tiếp tục phân loại, rà soát kỹ các lĩnh vực trong mỗi ngành để cổ phần hóa, thoái vốn, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, nếu địa phương, bộ, ngành nào thấy cần giữ cổ phần chi phối ở một lĩnh vực nào thì phải có báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn. Mặt khác, không cần thiết phải giảm nhanh vốn Nhà nước tại các DN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe tâm tư của các y, bác sĩ làm việc tại Trạm Y tế xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa (ngày 27/2/2016). Ảnh: VGP/Đình Nam

* “Y tế công, tư phải hợp tác vì nhân dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi đến thăm một số cơ sở y tế, chúc mừng các cán bộ, y, bác sĩ nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề lớn nhất đặt ra đối với các bệnh viện hiện nay là phải giải quyết cả bài toán tài chính và câu chuyện chuyên môn. Cần thiết phải có cơ chế để các bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi của các bệnh viện công lập sang làm việc tại các bệnh viện tư nhân với thời gian nhất định hằng ngày, hằng tuần.

Theo Phó Thủ tướng, để có một bác sĩ, điều dưỡng viên giỏi phải mất rất nhiều năm, nên cần coi đây là vốn quý của đất nước chứ không của riêng bệnh viện nào.

Trước tình trạng số giường bệnh của khối y tế ngoài công lập chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số giường bệnh trên cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, rất cần khuyến khích y tế tư nhân phát triển, nhất là mô hình phi lợi nhuận, như một “đầu đòn gánh” để cân bằng với đầu kia là y tế công lập./.

Nguyên Linh (tổng hợp)

Admin