CÔNG AN TỈNH NINH THUẬN ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINHĐẢNG BỘ CÔNG AN TỈNH NINH THUẬN ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 21-KL/TW NGÀY 25/10/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ; KIÊN QUYẾT NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI, XỬ LÝ NGHIÊM CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, BIỂU HIỆN "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HOÁ"

“Thế trận lòng dân” trên địa bàn Tây Bắc

Đăng ngày 07 - 05 - 2019
Lượt xem: 51
100%

Phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, quân và dân Tây Bắc cùng chung một lòng, đồng chí hướng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến, chiến lược, và đã để lại những bài học về xây dựng và phát huy thế trận lòng dân.

Nhân dân Tây Bắc tới giúp đỡ, động viên bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019)
Phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, quân và dân Tây Bắc cùng chung một lòng, đồng chí hướng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến, chiến lược, và đã để lại những bài học về xây dựng và phát huy thế trận lòng dân.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tây Bắc là địa bàn trọng yếu trong kế hoạch xâm lược Đông Dương của đối phương. Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, nơi đây còn là tâm điểm của kế hoạch Navarre, là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp.

Trải qua 56 ngày đêm (từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954) chiến đấu anh dũng, quân và dân Khu Tây Bắc (Quân khu 2 ngày nay) đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp.

Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Tây Bắc đã xây dựng và phát huy tốt sức mạnh “thế trận lòng dân” xây dựng chính quyền mới; chủ động các phương án, kế hoạch tác chiến, tích cực đánh địch càn quét, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch cơ động, triển khai, tạo lập thế trận; đồng thời, phối hợp với bộ đội chủ lực tiễu phỉ, trừ gian bảo vệ địa bàn, bảo vệ các huyết mạch giao thông.

Lực lượng vũ trang luôn thông suốt nhiệm vụ, tin tưởng vào sự tất thắng, củng cố quyết tâm, ý chí chiến đấu, tích cực và bền bỉ, anh dũng hy sinh, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn; nhân dân các dân tộc Tây Bắc tích cực sản xuất, đồng thời nêu cao tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mặt trận Tây Bắc và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực tế, để khơi dậy, quy tụ và phát huy được sức mạnh “thế trận lòng dân”, Khu ủy Tây Bắc và các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc đã quán triệt sâu sắc đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng, nhận thức rõ vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ Trung ương Đảng, Chính phủ và Tổng Quân ủy giao cho Khu Tây Bắc.

Trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) về đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, từ đó nâng cao tinh thần yêu nước; đồng thời tổ chức các phong trào cách mạng rộng lớn, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và sự thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.

Phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng”, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo cho chiến dịch. Nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng chẳng quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương...

Bằng “thế trận lòng dân”, nhân dân Tây Bắc đã kịp thời cung cấp, bổ sung cho chiến dịch hơn 7.310 tấn gạo (chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại mặt trận), 800 tấn rau tươi và động viên hơn 31.800 lượt dân công với hàng chục triệu ngày công cùng 914 ngựa thồ... góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Có được kết quả đó là do quân và dân Tây Bắc cùng chung một lòng, đồng chí hướng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến, chiến lược, và đã để lại những bài học về xây dựng và phát huy thế trận lòng dân.

Trên cơ sở kế thừa bài học phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kinh nghiệm, kết quả đạt được qua hàng chục năm xây dựng khu vực phòng thủ, Quân khu 2 và các địa phương trên địa bàn đang tập trung phát huy “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện theo chiều sâu, vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình, trên một số nội dung chủ yếu:

Một là, tập trung xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần của khu vực phòng thủ.

Vận dụng kinh nghiệm đó vào xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần của khu vực phòng thủ hiện nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tập trung làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội; kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất-kỹ thuật của khu vực phòng thủ.

Để thực hiện vấn đề này, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn luôn coi trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo nguồn lực vật chất cho khu vực phòng thủ. Lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Sự kết hợp đó được thực hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội hằng năm và giai đoạn của từng tỉnh, ngành, lĩnh vực, hướng vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ba là, nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương trong khu vực phòng thủ.

Hiện nay Quân khu 2 đang nỗ lực tập trung xây dựng lực LLVT địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý và huấn luyện diễn tập chặt chẽ, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ, bảo đảm ngày càng vững mạnh và rộng khắp; có tổ chức biên chế chặt chẽ, chất lượng chính trị cao, trình độ sử dụng vũ khí, trang bị hiện có và khả năng hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn.

65 năm nhìn lại Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng vinh dự, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân ta anh hùng, bộ đội ta trung thành, dũng cảm, đoàn kết chiến đấu giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hiện nay, LLVT và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đang nỗ lực xây dựng và phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc bằng các giải pháp phù hợp, làm nền tảng để xây dựng các tiềm lực của khu vực phòng thủ, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết
Chính ủy Quân khu 2

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương

Tin liên quan

Tin mới nhất

10 người đang online
°